Về Tây Đô thăm chợ nổi Cái Răng
26/12/2017
Giờ đây chợ nổi là một nét thăng hoa trong đời sống của người dân miền Tây, tạo nên một nền văn hóa sông nước độc đáo hiếm có hấp dẫn bao con người đến với nơi đây mà lòng day dứt chẳng muốn về…Có rất nhiều chợ nổi như: Chợ Nổi Cái Răng, Chợ Nổi Phong Điền, Chợ Nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), Chợ Nổi Ngã Bảy (Hậu Giang)..... Trong số đó, nổi tiếng trên hết vẫn là Chợ Nổi Cái Răng ở Cần Thơ.
Chợ nổi Cái Răng từ lâu đã được biết đến như một địa điểm tham quan du lịch đặc sắc của vùng Tây Đô sông nước, nơi đây tập hợp được điều kiện tự nhiên thuận lợi đặc trưng của vùng đất “Chín rồng”, là nơi hợp lưu của nhiều nhánh sông, thuận lợi cho việc thông thương mua bán giữa các địa phương và cả với các thương lái ngoài nước, và cũng chính vì lý do này chợ nổi đã được hình thành và duy trì cho đến ngày nay.
Tại đây, mọi hoạt động buôn bán, trao đổi được thực hiện trên dòng sông Hậu hiền hòa, êm ả, nơi đây hội tụ tất cả mọi sản vật từ các vùng miền Tây sông nước, nơi những hoạt động sinh hoạt độc đáo đang diễn ra không chỉ có những người sống trên ghe thuyền bao năm mà còn có cả một văn hóa buôn bán nhộn nhịp rất riêng của chợ nổi.
“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ".
Chợ nổi Cái Răng họp từ rất sớm, khi trời còn giăng sương, hàng trăm chiếc ghe thuyền từ khắp các ngả đường đã rộn ràng kéo về Chợ nổi mang theo trên đó những hàng hóa để mua bán trao đổi tạo nên không chỉ một bức tranh đầy màu sắc của trái cây, các loại nông sản mà còn có cả không khí nhộn nhịp, tươi vui của tiếng máy nổ, tiếng mái chèo, tiếng nói cười rộn rã mang đậm phong vị miền Tây. Hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng rất đa dạng, từ những mặt hàng nông sản, hàng thủ công, hàng nhu yếu phẩm đến mặt hàng đồ ăn, thức uống để phục vụ cho du khách tham quan chợ. Chợ họp trên sông, nên du khách có thể ngồi trên những chiếc xuồng con chòng chành, vừa thưởng thức đủ loại trái cây, món ăn đặc sản của vùng, vừa được thả hồn tận hưởng những làn gió mát dịu cũng như được thỏa sức nhìn ngắm hàng hóa được bày bán ăm ắp trên thuyền đang di chuyển chầm chậm trên sông và tham gia vào hoạt động mua bán, trả giá cùng người dân. Chính sự đa dạng này đã mang đến cho khách du lịch cảm giác thích thú và mới lạ, thu hút họ đến với chợ nổi, đến với cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Không giống như chợ trên bờ, những ghe hàng trên chợ nổi không nhất thiết phải quy tập từng khu theo loại hàng. Chợ truyền thống thì luôn ồn ào nhộn nhịp bởi những tiếng rao hàng, tiếng chèo kéo khách, còn chợ nổi thì không như thế, thương buôn không phải tốn sức để rao bán sản phẩm của mình mà hàng hóa vẫn được biết đến theo một cách hết sức đặc biệt, dân thương hồ chỉ cần treo hàng hóa của mình lên một cây sào mà người dân tại đây gọi là “cây bẹo” được cắm ở trước mũi ghe thuyền, có thể gọi đây là cách quảng bá hàng tại chỗ để khách hàng có thể thấy được sản phẩm dù đang ở tít đằng xa. Hình thức “bẹo hàng” này là một nét văn hóa giao thương độc đáo mà chỉ có chợ nổi mới có - một cách quảng cáo sản phẩm không ồn ào, vội vã nhưng lại mang đến cho du khách cũng như khách hang những điều thú vị riêng. Khách hàng có thể mua những sản phẩm mình thông qua những cây bẹo này. Đặc biệt nhất là hình thức “bẹo lá bán ghe”. Nếu gặp chiếc “bẹo” nào có treo một tấm lá lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy. Đối với những thuyền nhỏ thì họ chọn cách bày hàng hóa đầy ắp trên thuyền, thuyền lại chạy với tốc độ chậm qua những mái chèo khua nước người thương hồ để khách hàng có thể nhận thấy sản phẩm của họ một cách từ từ, chậm rãi. Đó cũng là một cách quảng cáo sản phẩm nhưng ở góc độ gần.
Thương dân nhóm họp trên chợ nổi bằng xuồng, thuyền, ghe máy, người đi mua hàng đến chợ cũng bằng xuồng. Ta có thể bắt gặp cảnh những chiếc xuồng con của những thương buôn nhỏ đang khéo léo len lỏi qua hàng trăm ghe, thuyền lớn nhỏ khác mà rất ít khi xảy ra va quẹt.
Khi chiều về, nhàn nhã sau một ngày mua bán mệt nhọc hay rong ruổi trên sông nước đến vùng tha phương, người dân thương hồ nơi đây lại về quây quần với nhau cùng ly trà, chén rượu, hát cho nhau nghe những câu vọng cổ nghe sao thật ấm lòng. Nếu ai đã một lần đến với Cần Thơ, được nghe những câu hò, những làn điệu dân ca, những câu đờn ca tài tử trên miền sông nước hữu tình này chắc sẽ không thể nào quên được, chính điều này đã giúp cho chợ nổi nói riêng và cả vùng miền Tây nói chung trở thành một điểm đến thú vị đối với bạn bè năm châu.
Ngoài những hình ảnh đặc sắc của chợ nổi, khi đến nơi đây, ta còn được bắt gặp hình ảnh quen thuộc gắn liền với chiếc xuồng , với miền sông nước Nam bộ, đó chính là hình ảnh những người phụ nữ miền Tây chân chất trong trang phục áo bà ba với chiếc nón lá đang nhẹ nhàng khua mái nước chở hàng hóa dạo quanh khu chợ, với chất giọng miền Tây ngọt ngào, đằm thắm cùng tính cách thật thà của con người nơi đây, chắc hẳn hình ảnh người con gái miền Tây sẽ in đậm trong tâm trí khách du lịch mỗi lần có dịp ghé thăm.
Đã qua bao năm tháng , nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn còn giữ nguyên được những nét đặc trưng vốn có của nó, chính vì thế nơi đây sẽ là điểm đến thú vị cho những ai yêu sông nước, muốn được ngắm nhìn những hình ảnh quen thuộc miền sông nước Nam Bộ, muốn được một lần lắng nghe những câu hò, làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng cũng như được tự mình hòa nhịp vào những sinh hoạt nhộn nhịp ồn ào của chợ nổi nơi đây.
Hiện nay hệ thống giao thông của Cần Thơ đã được đẩy mạnh, giúp du khách ở các nơi thuận lợi hơn khi đến với Cần Thơ. Hơn nữa, các địa điểm du lịch tại đây đều nằm gần trung tâm thành phố, thuận lợi cả đường bộ và đường sông nên du khách khi đến tham quan chợ nổi Cái Răng có thể kết hợp thêm nhiều địa điểm du lịch khác trong chuyến hành trình của mình.
Cơ hội phát triển du lịch của loại hình độc đáo này là rất lớn, với nhu cầu được tìm hiểu đời sống văn hóa, tập quán sinh hoạt của người dân miền sông nước cũng như hoạt động mua bán nhộn nhịp, đặc sắc, Chợ nổi Cái Răng đã đang và sẽ là địa điểm thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.