Về miền Tây ngắm kênh đào lớn nhất lịch sử phong kiến Việt Nam
21/12/2017
Về miền Tây sông nước, du khách nhất định phải một lần ghé thăm kênh Vĩnh Tế, để cảm nhận được lịch sử cũng như cuộc sống bình dị, phóng khoáng mà ăm ắp tình người nơi đây.
Nằm trên địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang ở đồng bằng sông Cửu Long, kênh Vĩnh Tế là con kênh đào lớn nhất trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam.
LỊCH SỬ KÊNH VĨNH TẾ:
Kênh Vĩnh Tế bắt đầu đào vào tháng Chạp năm 1819, xuất phát từ bờ Tây sông Châu Đốc, chạy song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia và kết thúc tại điểm nối tiếp với sông Giang Thành (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Kênh được đào dưới sự chỉ huy của Thoại Ngọc Hầu cùng với 2 ông Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Tồn. Sau có thêm Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt, cùng 2 Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu , Trần Văn Năng và Thống chế Trần Công Lại cùng góp sức chỉ huy đến năm 1824 thì hoàn thành.
Ước tính trong 5 năm, các quan phụ trách đã phải huy động đến hơn 90.000 dân binh. Tổng số ngày công là 3.463.500, và khối lượng đất đào là: 2.845.035m³.
Chuyển đổi theo hệ đo lường ngày nay, kênh Vĩnh Tế có chiều dài là 87km, độ rộng trung bình 30m, độ sâu trung bình khoảng 2,55m. Tuy nhiên, trừ những đoạn sông rạch sẵn có thì phần phải đào mới chỉ là 37km.
NGUỒN GỐC TÊN GỌI VĨNH TẾ:
Tên gọi Vĩnh Tế được đặt theo tên vợ cả của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Vĩnh Tế (1766-1826) hay còn có tên khác là Châu Thị Tế. Bà là người cù lao Dài, nay thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và là trưởng nữ của ông Châu Huy (có sách chép là Châu Vĩnh Huy) và bà Đỗ Thị Toán. Thời chúa Nguyễn, Nguyễn Văn Thoại theo mẹ rời làng An Hải (nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) di cư vào Nam sinh sống ở cù lao Dài nên đã gặp bà Vĩnh Tế và cưới bà tại đây vào năm 1788.
Bà Vĩnh Tế nổi tiếng là người vợ hiền đức, tận tụy, đảm đang, đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp lừng lẫy của chồng. Bà còn là người có công xây dựng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam – Châu Đốc. Khi Thoại Ngọc Hầu được vua giao trọng trách đào con kênh nối liền từ Châu Đốc đến Hà Tiên, bà đã tận tụy giúp chồng chăm lo công việc đại sự. Những lúc chồng bận việc công cán, bà đã thay chồng lãnh phần đôn đốc, coi ngó việc đào kênh, tiếng nhân đức của bà được nhân dân truyền tụng. Bấy giờ trong dân gian có câu:
Nước Nam trai sắc gái tài,
Gương bà Châu thị lưu đời ngàn năm.
Để tuyên dương công trạng của vợ chồng Thoại Ngọc Hầu và thể theo lòng dân mến mộ, vua Minh Mạng cho lấy tên chồng bà là Nguyễn Văn Thoại đặt cho con kênh “Thoại Hà”, núi “Thoại Sơn”, đặt tên kênh Châu Đốc – Hà Tiên là “Vĩnh Tế Hà”, núi Sam gần đấy là “Vĩnh Tế Sơn” và làng cạnh núi là “Vĩnh Tế Thôn”. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua cho chạm hình tượng kênh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh, đỉnh đồng lớn nhất trong Cửu đỉnh đặt tại Thế miếu, Huế.
Với quy mô của mình, Kênh Vĩnh Tế đã có đóng góp cực kỳ lớn lao trong việc phát triển hệ thống giao thông thủy lợi cũng như nông nghiệp, lẫn thương mại và biên phòng của khu vực miền Tây. Cho đến hôm nay Kênh Vĩnh Tế Châu Đốc vẫn có những giá trị của riêng mình và đóng góp không nhỏ trong việc giao thông đường thủy lẫn phát triển kinh tế của người dân sông nước trong thời hiện đại.
Tổng hợp