Về Bến Tre đừng quên thăm khu di tích Đạo Dừa
25/12/2017
Trên dòng sông Tiền thơ mộng, con tàu rẽ sóng lướt nhẹ sẽ đưa bạn khám phá vẻ đẹp bình yên của vùng sông nước miền Tây.
Ngoài nổi tiếng bởi là vùng sông nước miệt vườn trĩu quả, người dân hiền hòa đôn hậu, thì Khu di tích Đạo Dừa trên cồn Phụng với câu chuyện đầy ly kỳ về Giáo chủ Nguyễn Thành Nam luôn cuốn hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Là một cù lao nằm giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cồn Phụng có diện tích khoảng 28ha, người dân nơi đây ngoài trồng cây ăn trái như mít nghệ, bưởi, cam, xoài, sabôchê…, họ còn rất khéo tay trong việc làm những món đồ thủ công mỹ nghệ từ cây dừa… Đây cũng là nơi khai sinh ra giáo phái "đạo Dừa", là một tôn giáo độc đáo, từng thu hút hàng vạn tín đồ ở miền Nam Việt Nam trước 1975.
Xung quanh quá trình hình thành Đạo này có rất nhiều chuyện li kỳ, huyền bí. Như tìm hiểu của Du lịch Rồng Á Châu, thì Đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam vốn là một kỹ sư học từ Pháp về, có gia đình nhưng sau quyết tâm ngồi thiền đi tu và lập Đạo Dừa tại cồn Phụng năm 1963.
Khu di tích Đạo Dừa hay còn gọi là “Nam Quốc Phật” của ông Đạo Dừa tại Cồn Phụng hiện vẫn còn khá nguyên vẹn sau gần 50 năm xây dựng, trở thành một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách ở tỉnh Bến Tre.
KIẾN TRÚC KHU DI TÍCH:
Khu di tích của Đạo Dừa tại Cồn Phụng rộng khoảng 1.500 m2 hiện còn khá nguyên vẹn với sân rồng, nơi có 9 cột trụ được chạm khắc bao quanh bởi 9 con rồng rất đẹp mắt. Xung quanh sân là cổng chào, lối đi, những mô hình núi, hang động, tháp được xây dựng bằng bê tông nối tiếp nhau tạo nên một tổng thể chặt chẽ.
Trước cổng lối vào chỗ thờ cúng là một lư hương rất to bằng được làm từ những mảnh vỡ của đồ sành, sứ, trên đó có khắc ảnh và lai lịch vắn tắt về Đạo Dừa. Toàn bộ lư hương này được đặt uy nghi trên lưng Thần Kim Quy miệng ngậm lưỡi gươm thần.
Sân rồng vốn là nơi thuyết giáo trước kia, nơi đây từng là nơi tập trung hàng ngàn đệ tử tìm về Đạo Dừa. Chỗ thuyết giáo này tựa lưng vào tháp Cửu Trùng Đài uy nghi. Sau lưng Cửu Trùng Đài là hai cột bê tông lớn, cao chừng 15m. Trên đỉnh cột chính là nơi ngày đêm Đạo Dừa hướng mặt ra biển tịnh tu ngày xưa.
Ngày nay tuy Đạo Dừa không còn sau nhiều biến cố, nhưng khu di tích này vẫn là điểm đến của du lịch Bến Tre mang nét đặc trưng riêng, thu hút rất đông đảo du khách đến tham quan. Du khách tìm về đây, như một hành trình thú vị tìm lại nét đẹp vàng son có một không hai trong Đạo Dừa một thời.