Sông Cửu Long: Trường Giang Vạn Dặm
25/12/2017
Sông Cửu Long ( hay gọi là Mê Kông ) là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới. Xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải ( Trung Quốc), băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam, qua các nước Myanma,Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi đổ vào miền Nam Việt Nam.
Sông Cửu Long 9 cửa, 2 dòng,
Người thương anh vô số, nhưng chỉ một lòng với em.
(Ca Dao)
Nhiều du khách mới đến Việt Nam, đứng trên lầu khách sạn Caravelle hay Majestic, nhìn ra bến Bạch Đằng, thấy tàu bè san sát, tưởng rằng đó là sông Mê Kông.
Thực ra, sông Mê Kông không có một chi lưu nào chảy ngang qua thủ đô Sài Gòn cả. Trước bến Bạch Đằng là sông Sài Gòn, một phụ lưu của sông Đồng Nai.
Đứng hàng thứ 12 trên thế giới về chiều dài và sức mạnh phi thường, sông Cửu Long là một loại "trường giang vạn dặm" của nước ta.
Phát nguyên từ vùng cao nguyên quanh năm giá buốt Hi Mã Lạp Sơn, nguồn sông Cửu Long chảy xiết qua các ghềnh đá, các hẻm vực cheo leo của châu Đại Lý bên Vân Nam Trung Quốc, rồi qua nội địa nước Lào, ngoằn ngoèo như con rắn vĩ đại dài khoảng 1200 dặm. Tới đây dòng sông Cửu Long trở thành sông mẹ chung cho bốn nước: Lào, Thái, Cam-pu-chia và Việt Nam, mỗi nơi có khoác một tên bản xứ khác nhau.
Tại Lào gọi là sông Nâm Khoong. Đến Thái Lan được gọi là Mae Khong. Từ đó, người Pháp phiên âm lại là Mékong (Mê Kông).
Vào lãnh thổ Cam-pu-chia gần thác Khône vĩ đại, sông Mê Kông chảy vào nội địa xứ chùa Tháp, rồi chia làm hai nhánh:
- Sông Tonlé Sap đổ vào Biển Hồ, có công dụng như một hồ chứa nước nhân tạo, để điều hòa mực nước giữa hai mùa mưa nắng.
- Một nhánh ngoặc về phía Đông, chảy vào Nam Việt trước khi ra bể cả. Đây cũng là con đường lưu thông huyết mạch của nước Cam-pu-chia trước khi có hải cảng Kom-pong-som (Sihanouk Ville).
Cửu Long Giang: Rồng vàng chín khúc của miền Nam Việt Nam
Từ trên cao nhìn xuống, sông Cửu Long long lanh như một dải lụa, quanh co uốn khúc chảy ra bể Đông. Rời lãnh thổ Cam-pu-chia, sông Cửu Long chia ra làm hai nhánh xâm nhập nội địa nước ta:
- Nhánh Tiền Giang:
Là một loại sông ngòi cổ, lòng sông cạn, nhiều cát, khúc khuỷu với các cù lao trù phú, chảy qua các thị trấn Tân Châu, Hồng Ngư, ngã ba Chợ Vàm, Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre, rồi đổ vào biển Đông bằng 6 cửa:
1. Cửa Tiểu, hay Vàm Láng, làng Thới Thuận, Gò Công.
2. Cửa Đại, thuộc quận Bình Đại Bến Tre, với quận lỵ án ngữ bên hữu ngạn.
3. Cửa Ba Lai, một thoát lưu nhỏ chảy qua cầu Chẹt Sậy, Bến Tre.
4. Cửa Hàm Luông, còn gọi là Giồng Luông, hay Hàm Long, rất rộng. Khi thủy triều lên, đứng bên bờ bên này không nhìn thấy bên kia, vì nó nhận nước từ các chi lưu Chợ Lách, Cái Mơn, Hàm Lòng đổ qua.
5. Cửa Cổ Chiên, do sông Cổ Chiên cháy từ tỉnh lỵ Vĩnh Long, qua cù lao Quới Thiện, Rạch Bàng, Trà Vinh... đổ ra bể. Hai bên bờ và trên những cù lao có vô số những cây bần, sách xưa gọi là cây thủy liễu.
6. Cửa Cung Hậu.
- Nhánh Hậu Giang 3 cửa:
Người Pháp gọi là sông Bassac, thuộc loại sông trẻ, dòng sông thằng, ít phù sa, nước chảy xiết, đổ ngang qua Châu Đốc, Long Xuyên, Thốt Nốt, Ô Môn, Cần Thơ, rồi chảy ra Đại Ngải, cù lao Dung, rẽ dòng làm hai nhánh thoát ra biển: cửa Định An và cửa Bassac. Nơi đây dòng sông sâu rộng, tàu bè ra vào dễ dàng thủ phủ miền Tây (Cần Thơ).
Cuối cùng, có một thoát lưu rất nhỏ, bề ngang hơn 100m, chảy qua Cổ Cò, đổ ra cửa Mỹ Thanh (hay cửa Tranh Đề).
Theo nhà kinh tế hậu chiến Lilienthal Hoa Kỳ thì sông Mê Kông "đổ ra một lưu lượng gấp 6 lần sông Nile, có thể sản xuất một số điện lực khổng lồ, giá rẻ để làm phát triển kỹ nghệ mới như luyện nhôm, các quặng mỏ, và sau cùng có thể mang ánh sáng đến các nơi xa xôi tận Mã Lai Á và Singapore.
Thật ra, sông Cửu Long chỉ có 8 cửa mà thôi, cửa Tranh Đề chỉ là một thoát lưu phụ, không đáng kể.
Một ký giả Mỹ viết trong tạp chí National Geographic:
"Lúc ở VN, ông đã dùng trực thăng bay qua bay lại cửa sông Cửu Long nhiều lần, để kiểm chứng lại sông này có 9 cửa, nhưng không lần nào ông đếm được 9 cửa như sách địa lý đã nói. Ông chỉ tìm ra được 8 cửa mà thôi" (Không có cửa Tranh Đề).
Cũng như sông Danube bên Âu Châu, Cửu Long là một con sông quốc tế, bị chi phối bởi quyền lợi của những quốc gia mà nó chảy qua. Chẳng hạn như ở miền hạ lưu (Nam VN), muốn bắc một cây cầu qua bến phà Mỹ Thuận, hay Cần Thơ, cần có sự đồng ý của Cam-pu-chia, vì nếu cầu này xây thấp quá sẽ làm cản trở tàu bè của họ lưu thông. Đối với bốn quốc gia nằm trong lưu vực sông Cửu Long, thừa hưởng được nguồn tài nguyên vô tận: nước tưới. Lưu vực sông Cửu Long rộng độ 236,000 dặm vuông, một vựa lúa thơm ngon, nước trong, gạo trắng, đã nuôi sống hơn 40 triệu dân của bốn nước Thái, Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam. Ngoài tư cách một phúc thần mang lại sự thịnh vượng chung cho bốn xứ, sông Cửu Long có những lúc thịnh nộ giữa những cơn nước lũ tháng 10, cuồn cuộn nước phù sa. Đến mùa nắng, dòng sông hẹp lại, nước chảy hòa hoãn lờ đờ, nhất là khoảng từ Paksé trở lên Mường Luồng (thủ đô Luang Prabang).
Từ tháng 9 đến tháng 10, khi mùa mưa đến, dòng sông mở rộng ra, có nơi đến 10 km, nước sông dâng lên ngập các khu rừng già ở Miên, Lào, liếm các cột nhà sàn. Điều này cũng giải thích tại sao dân chúng Long Xuyên, Châu Đốc thích ở nhà sàn. Đến tháng 11, khi mùa mưa dứt, sông Cửu Long lại hồi sinh. Ngay trước khi nước rút, dân chúng ở hai bên bờ sông dẫn nước tưới vào ruộng, để nuôi sống cây mạ non mềm mại, và họ cầu mong cho nước ấy đừng bốc hơi trước khi hoa màu chín.
Mùa hè ở Cam-pu-chia nắng chang chang như thiêu đốt, dòng sông trở nên hẹp, để lộ ra nhiều bãi cát. Nước sông Cửu Long uể oải chậm chạp qua những dòng sông uốn khúc lồi lõm. Cùng với phụ lưu của nó, sông Tonlé Sap đã mất đi sức mạnh, không còn cuồn cuộn mang phù sa ra bể như trước nữa. Đến đây, sông Cửu Long đã có thủy triều chảy ra chảy vào. Đối với miền Nam, sông Cửu Long mang đến nhiều lợi ích phi thường. Nó đem phú túc thịnh vượng cho những miền nằm trong lưu vực hai con sông Tiền và Hậu. Sông Cửu Long mang đến phù sa, nước ngọt, tưới ruộng vườn cho cây trái sanh sôi nay nở, cho mạ non xanh tốt, cho lúa sai oằn. Một nguồn lợi khác rất đáng kể đó là cá tôm phong phú, đặc biệt vùng Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngư... hứng trọn nước Biển Hồ đổ xuống. Dòng sông đã mang lại ấm no, đời sống lạc quan cho thôn xóm ven bờ như Cao Lãnh, Nha Mân, Cái Mơn, Cái Bè:
Gà nào hay cho bằng gà Cao Lãnh.
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu
Anh thương em chẳng nệ sang nghèo...
(Ca dao)
Có sống về nông nghiệp mới biết sự quý báu và cần thiết của nước tưới, mà sông Cửu Long đã mang lại cho dân chúng miền Nam một nguồn lợi thiên nhiên vô tận. Giới nông dân có câu: “Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”.
Sở dĩ trái cây miền Nam ngon ngọt, hương vị độc đáo khó quên là nhờ phù sa nước tưới của sông Cửu Long, mà những nơi khác không có được trừ Thái Lan, chung dòng sông mẹ. Đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực đa diện, đặc biệt nổi tiếng với trái cây nhiệt đới, như chôm chôm tróc java, Cái Mơn, cam quýt, sầu riêng Cái Bè, Sa Đéc Nha Mân, Phong Điền, vú sữa Vĩnh Kim (Sầm Giang). Vùng Mỹ Tho, Sa Đéc, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Cần Thơ... là địa đàng của miền Nam, nhờ phù sa màu mỡ của sông Cửu Long bồi đắp hàng năm. Không giống như những sông khác, sông Cửu Long không cần phải đắp đê ở hai bên bờ. Mỗi năm đến mùa nước nổi tháng 10 âm lịch, phù sa tràn vào ruộng. Lúc nước rút đi để lại một lớp bùn non, là phân bón cho ruộng vườn, cây trái, tạo ra một khu vực trù phú độc đáo ở hạ lưu sông Cửu Long. Nơi đây dân chúng sống thong dong, nhàn hạ, nếu có một mẫu vườn, vài công ruộng.
Phong cảnh ở miền đồng bằng sông Cửu Long cũng rất êm đềm thơ mộng, đã làm say mê, quyến rũ các du khách từ nơi xa đến... Ngược dòng Tiền Giang, qua Mỹ Tho, Sa Đéc, Cao Lãnh, Tân Châu, Hồng Ngự... hai bên bờ cây cối ruộng vườn xanh mướt quanh năm. Mùa nào cũng có trái cây chín. Nếu nhàn nhã, mời bạn làm một cuộc du lịch bằng ghe, lênh đênh trên sông nước để quan sát cảnh vật và đời sống của người dân quê. Từ miền cửa Đại, với vườn dừa bát ngát nằm bên những cồn phù sa như Cồn Cống, Cồn Bà, Cồn Ong, Cồn Cô, Cồn Cậu chảy dọc theo dòng sông cho đến Mỹ Tho. Hai bên bờ cây cối sai oằn, nặng trĩu những dừa, những chuối, những cam quýt, bưởi, mận, xoài, Cù Lao Rồng, còn gọi là Cồn Rồng, nằm đối diện với chợ cũ Mỹ Tho, trước kia làm nơi sống riêng cho người cùi, và cũng là nơi Thủ Khoa Huân bị hành quyết cuối thế kỷ 19. Cồn Phụng, nằm án ngữ trước phà Rạch Miễu đi Tân Thạch, thánh địa của Ông Đạo Dừa, với nhiều kiến trúc độc đáo. Lên phía trên, ta qua cù lao Tân Phong nổi tiếng với ốc gạo ngon đặc biệt. Sau đây là đoạn tả cảnh du lịch trên sông Cửu Long của Phạm Quỳnh mấy mươi năm trước:
“Nhưng thật ra đi trên sông Mê Kông mà không ngờ là sông Mê Kông, lắm khi tưởng ở trong cái kênh, cái lạch nào, không mấy lúc có cảm giác ở giữa chốn tràng giang. Vì trong khoảng từ Mỹ Tho lên Châu Đốc, trong sông đầy những cù lao cùng bãi cát, nhiều nơi to rộng lắm, từng làng từng tổng ở vừa, đầy những cây cỏ um tùm, chật mát cả lòng sông, cho nên coi hẹp đi”.
Theo nhánh sông Cổ Chiên từ Vĩnh Long lên, thì mỗi cù lao, mỗi cồn là những vườn cây ăn trái sum suê, dân cư trù phú, tám tiết có cây thạnh mậu. Nào cù lao Quới Thiện (còn gọi là cù lao Dài, hay cù lao Năm Thôn), cồn Phú Đa, cù lao An Thành, cồn Chọi (Sa Đéc) đâu đâu cũng nhà cửa, ruộng vườn san sát, nhà sàn, nhà gạch mái ngói ẩn hiện trong các vườn cây xanh tươi. Cồn thì nhỏ hơn cù lao, là một loại đất bồi mới nổi lên khỏi mặt nước, do phù sa tạo lập nên, do đó trồng trọt rất tốt. Nơi đây người ta làm "bờ bao" để trồng chôm chôm, xoài cát.
Ở đây dừa được trồng ngay ngắn trên liếp, dưới là mương nước ăn thông với mương cái, chảy ra sông, rạch. Kinh nghiệm chủ vườn cho biết dừa khô chỉ rụng về đêm khi nhiệt độ xuống thấp do đó giảm mức nguy hiểm cho người làm vườn. Đến kỳ thu hoạch, người ta dùng cù móc, hoặc cho người leo lên giựt từng quày dừa cho rụng xuống mương. Xuống nước, dừa khô nổi, do đó, dễ gom lại một chỗ lột vỏ rồi bán. Cái dừa dùng làm xà bông, mỹ phẩm, dầu ăn và làm bánh, là một nguồn ngoại tệ rất lớn.
Sưu tầm