Nét đẹp trong sắc phục truyền thống ở vùng Tây Bắc
05/11/2018
Tây Bắc không chỉ đẹp bởi cảnh sắc núi non hùng vĩ, những mùa hoa làm say đắm lòng người mà còn văn hóa đặc sắc, nét đẹp dịu dàng của những thiếu nữ trong những bộ sắc phục truyền thống.
Xem thêm:
TRANG PHỤC CỦA DÂN TỘC MÔNG
Dân tộc Mông còn có tên gọi khác gọi khác là Mẹo, Mèo, Miếu Hạ, Mán Trắng. Dân tộc Mông sống trên các triền núi cao Tây Bắc cũng có nhiều nhánh như: Mông trắng, Mông Hoa, Mông Đỏ, Mông Xanh… sống ở các tỉnh miền núi tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đông và Tây Bắc Việt Nam như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La... . Nguồn sống chính là làm nương định canh hoặc nương du canh trồng ngô, lúa, lúa mạch. Trang phục truyền thống hết sức cầu kì và sặc sỡ, thường làm bằng vải lanh với nhiều màu sắc nổi bật cùng hoa văn đa dạng, cầu kì gồm: váy xếp thành nhiều nếp bằng lanh, áo xẻ ngực, mang tạp dề đằng trước và sau, quấn xà cạp ở chân.
Một bộ trang phục hoàn chỉnh thường gồm áo xẻ cổ, váy xòe xếp ly, xà cạp và mũ đội đầu. Trang phục người Mông Hoa và Mông Trắng thì hoa văn chủ yếu tập trung trên lưng áo, đó là các họa tiết thổ cẩm hình chữ nhật, hình thoi,...Còn trang phục phụ nữ Mông Đen, Mông Đỏ thì họa tiết tập trung ở vùng tay áo và trước ngực. Váy của họ là váy xòe xếp ly, thường là màu trắng, đai thắt lưng dài có màu nổi bật như xanh, hồng,...Đi kèm với váy là xà cạp được thiết kế tỉ mỉ với các đồng xu bạc trang trí.
TRANG PHỤC CỦA DÂN TỘC THÁI
Dân tộc Thái có trên 1 triệu người sinh sống tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái,… Các nhóm địa phương có Thái đen và Thái trắng. Thái đen truớc đây phụ nữ ưa mặc áo đen, Thái trắng truớc đây phụ nữ ưa mặc áo trắng. Trang phục người Thái là váy lụa, áo lụa, hàng khuy bạc óng ánh, quấn quýt mềm mại. Vải chủ yếu là màu chàm, hoa văn thổ cẩm đặc sắc. Nói tới vẻ đẹp trang phục của con gái Thái không thể không nói đến chiếc khăn Piêu huyền thoại, được thêu những hoa văn, họa tiết mô phỏng tinh tế thiên nhiên, với những “cút Piêu” - nút thắt trang trí và “xài peng” - tua vải màu hai đầu khăn nổi tiếng. Khăn Piêu được đội hờ hững trên đầu như cánh bướm dịu dàng trên nhành xuân.
TRANG PHỤC CỦA DÂN TỘC DAO
Người Dao còn có các tên gọi khác nhau như Dao Ðỏ (Dao Cóc Ngáng, Dao sừng, Dao Dụ lạy, Dao Ðại bản), Dao Quần chẹt (Dao Sơn đầu, Dao Tam đảo, Dao Nga hoàng, Dụ Cùn), Dao Lô gang (Dao Thanh phán, Dao Cóc Mùn), là một dân tộc có số dân đứng hàng thứ 9 trong số 54 dân tộc ở Việt Nam, với gần 1 triệu người. Người Dao cư trú tại các bản làng miền rừng núi trải rộng từ phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang,...đến một số tỉnh trung du như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
Trang phục của người Dao rất đa dạng, tùy thuộc vào từng vùng cư trú… Phụ nữ Dao Đỏ đội khăn đỏ, mặc áo dài, xẻ ngực, áo yếm, quần chàm, họ thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ để nẹp cổ liền với ngực thân áo. Đặc biệt hai đầu của nẹp ngực được đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ. … Phụ nữ Dao Quần Chẹt đội khăn dài chàm, áo dài và yếm thêu ít hoa.
TRANG PHỤC CỦA DÂN TỘC BỐ Y
Dân tộc Bố Y có khoảng 2.095 người thuộc nhóm cư dân ít người nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và sinh sống nhiều ở Lào Cai. Phụ nữ Bố Y mặc váy xèo (Côống phìn), hoa văn trên váy là nền trắng của vải được phủ lớp sáp ong giữ lại khi váy nhuộm chàm; váy ngắn năm thân gọi là Côống pù. Nam giới Bố Y mặc áo cổ viền tứ thân cánh ngắn quần lá tọa.
TRANG PHỤC CỦA DÂN TỘC PÀ THẺN
Người Pà Thẻn là cư dân sinh sống ở nước ta chủ yếu ở tỉnh Tuyên Quang và một số bộ phận ở tỉnh Hà Giang. Người Pà Thẻn tự gọi mình là Pà Hưng. Các dân tộc anh em khác thì gọi người Pà Thẻn là Mèo Lài, Mèo Hoa, hoặc Mèo Dỏ. Trong thư tịch cổ xưa, người Pà Thẻn được nhắc đến với tên Bát tiên tộc. Một số học giả người Pháp gọi người Pà Thèn là Mán Pa Seng hay Mán Pa Teng và họ xếp vào nhóm Mản với người Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu, tiếng nói thuộc ngữ hệ Hmông - Dao với dân số khoảng 3.794 người.
Do định cư trên núi cao, thường xuyên phải chống chọi với thiên tai, nắng gió nên trang phục truyền thống của người phụ nữ Pà Thẻn hết sức kín đáo từ bàn chân, ống chân cho đến đỉnh đầu. Màu chủ đạo trên trang trang phục của phụ nữ Pà Thẻn là màu đỏ. Bộ nữ phục của người Pà Thẻn bao gồm: Khăn, áo, thắt lưng, váy, yếm. Phụ nữ Pà Thẻn đội khăn quấn thành nhiều vòng trên đầu, quấn thành mái xòe rộng như mũ, hoặc lối đội khăn tạo thành mái nhô ra hai bên mang tai. Các cô gái trẻ thường mặc thêm một chiếc áo sơ mi ở bên trong và lật cổ áo ra bên ngoài tạo thành cổ áo mềm mại, nổi bật trên nền vải đỏ.